Nghị Trình cho Người Sống Sót là một cuốn cẩm nang dựa vào cộng đồng nhằm đòi công lý cho người sống sót mà tất cả chúng ta đều đáng được hưởng. Đây là món quà yêu thương dành cho những người đã vượt qua được nạn xâm hại tình dục và các hình thức bạo hành tình dục khác. Đây cũng là cuốn cẩm nang dành cho những người tìm cách ngăn chặn và can thiệp vào hành vi bạo hành tình dục, bao gồm cả quấy rối tình dục.
Những người từng vượt qua cảnh bị bạo hành tình dục là người có nội tâm mạnh mẽ và kiên cường. Chúng tôi biết điều đó có ý nghĩa như thế nào khi quý vị vượt ra khỏi cuộc đấu tranh ấy và đối diện với một ngày mới. Người sống sót không chỉ là câu chuyện về nỗi đau của chúng tôi mà họ còn hơn thế. Chúng tôi là gia đình, là bạn bè, là đồng nghiệp và là người lãnh đạo.
Chúng tôi tập trung vào những người thường bị bỏ ngoài vòng đối thoại về bạo hành tình dục, hay những người thậm chí còn không được coi là nạn nhân chứ chưa nói đến người sống sót. Người Da Đen, Bản Xứ và nhóm người da màu khác, người đa dạng tính dục, chuyển giới, liên giới tính và không nhận mình là giới tính nam hay nữ, thanh thiếu niên, người lao động, người nhập cư được pháp luật bảo vệ hoặc không, người bị khuyết tật, đang hoặc từng bị tống giam và các đối tượng vẫn bị coi là nhóm bên lề khác trên phạm vi toàn cầu; chúng tôi tin vào giá trị và sức mạnh của những tiếng nói này.
Mục đích của chương trình này là hướng đến điều chúng ta mong muốn, rằng mọi chúng ta sẽ không còn giữ câm lặng nữa.
An Toàn Cộng Đồng và Phương Án Thay Thế Hệ Thống Pháp Lý Hình Sự: Giải pháp và chiến lược nhằm giải quyết tổn hại của chúng ta phải xoay quanh người sống sót tại mọi điểm—từ tiết lộ thông tin, đến hồi phục và cho đến khôi phục. Người sống sót của nạn bạo hành tình dục có quyền được cảm thấy an toàn, yên tâm và được bảo vệ trong căn nhà và cộng đồng của mình. Người sống sót vẫn luôn luôn kiên cường khi đối mặt với nạn bạo hành và xâm hại. Chúng ta xứng đáng được nhận dịch vụ hỗ trợ bởi những nhân viên có hiểu biết về sang chấn, có kỹ năng và được đào tạo chuyên biệt về nhu cầu tâm sinh lý của người sống sót, và cũng bởi cả những cộng đồng dũng cảm biết đứng lên nhận trách nhiệm, bảo vệ an toàn và thực thi công lý. Người sống sót cần những giải pháp bảo vệ họ trước tổn hại cận kề cũng như ngăn chặn nguyên nhân gốc rễ của nạn bạo hành.
Chuyển Đổi Văn Hóa và Thông Điệp: Chúng tôi đang kêu gọi một sự biến chuyển về văn hóa xoay quanh trải nghiệm của tất cả những người sống sót; nền văn hóa không dung thứ hay bào chữa cho nạn xâm hại, bạo hành và quấy rối bởi những người nắm quyền; nền văn hóa khuyến khích con người ta tích cực ngăn chặn và cản trở hành vi bạo hành khi nhận thức được các tình huống gây hại (thay vì đứng ngoài cuộc); và là một nền văn hóa ủng hộ những người sống sót của nạn bạo hành tình dục, vượt xa hơn cả mức “tin tưởng” người sống sót, để tích cực thúc đẩy và phát triển văn hóa ngăn chặn, nhận trách nhiệm và phục hồi.
Giáo Dục: Là nơi dạy và học, trường học có sức mạnh để chuyển dịch văn hóa của chúng ta sao cho có ý nghĩa, bằng cách giúp học sinh nhận ra cái hại của bạo hành tình dục và ngăn chặn những câu nói thúc đẩy điều đó. Tất cả học sinh cần có khả năng học tập một cách an toàn và đàng hoàng, nhà trường có cơ hội để tạo ra các cộng đồng nơi học sinh có thể được hưởng nội dung giáo dục mà không có sự bạo hành—nơi mà chúng có thể cảm thấy an toàn và tiếp thu kiến thức chất lượng, kỹ năng và công cụ để phát triển. Những học sinh trải qua nạn bạo hành tình dục và các dạng khác của quấy rối tình dục đáng được các tổ chức giáo dục đối xử ưu tiên trong việc giải quyết và khắc phục những tổn hại mà các em đã gặp phải.
Phục Hồi Công Lý: Những người từng bị tổn hại bởi nạn bạo hành tình dục cần phải được điều trị bằng sự tận tâm và thương cảm, được tiếp cận phương thức hỗ trợ và dịch vụ mà họ cần và muốn. Người sống sót cần phải có khả năng chi phối hành trình phục hồi của chính mình mà không bị ngăn cản, dù là về mặt tài chính hay danh tính. Người sống sót cần được tạo không gian cần thiết, đồng thời chủ lao động và những người thân yêu của họ cần hiểu rằng phục hồi không phải là một quá trình thẳng tắp, không phải lúc nào cũng thuận tiện, mà thường không có cái cần “vượt qua”, chỉ có tìm cách xoay sở để mang theo sang chấn trong hành trình tiến về phía trước. Người sống sót cần được đối xử đàng hoàng và được công nhận về tính nhân văn của họ ở tất cả các bước.
Chăm Sóc Sức Khỏe: Bạo hành tình dục là một vấn đề thuộc phạm trù sức khỏe cộng đồng. Không phụ thuộc vào giới tính, chủng tộc, giai cấp, địa vị, khuynh hướng tính dục, bản dạng giới, tình trạng nhập cư hay việc có bị khuyết tật hay không, tất cả những người sống sót của nạn bạo hành tình dục cần được nhận sự chăm sóc sức khỏe có hiểu biết về sang chấn, phù hợp, thích hợp về ngôn ngữ và khẳng định bản sắc, dịch vụ ấy phải giải quyết cả sang chấn tức thời lẫn tác động tâm sinh lý lâu dài của nạn bạo hành tình dục. Bất an về tài chính không nên là rào cản khiến họ không nhận được sự chăm sóc đó. Sự chăm sóc này phải ưu tiên cho nhu cầu của người sống sót và phải đáp ứng mục tiêu riêng của họ thay vì tự động ưu tiên nhu cầu của hệ thống pháp lý hình sự. Đối với những người sống sót có khả năng mang thai, việc này bao gồm phải đảm bảo có sẵn phương pháp tránh thai khẩn cấp và phá thai, với chi phí hợp túi tiền và không bị kỳ thị.
Chỗ Ở & Phương Tiện Đi Lại: Tất cả những người sống sót đều đáng được có chỗ ở và phương tiện đi lại với giá phải chăng, an toàn, đáng tin cậy, được tôn trọng nhân phẩm và có quyền tự ý định đoạt. Điều này đặc biệt đúng đối với người sống sót là người Da Đen, da màu, có thu nhập thấp, thuộc nhóm LGBTQIA+, không có giấy tờ và bị khuyết tật. Chỗ ở và phương tiện đi lại phải là các dịch vụ công cộng có tài trợ, được thiết kế cho những người cần dịch vụ và chỗ trú khẩn cấp và cấp thiết, đồng thời dành cho những người từng trải qua nạn bạo hành trong quá khứ và đang tìm cách để được tiếp tục hỗ trợ và tiến hành các liệu pháp điều trị phục hồi. Trong đó bao gồm khả năng tiếp cận rộng mở với chỗ ở có dịch vụ chăm sóc có hiểu biết về sang chấn. Chỗ ở và phương tiện giao thông phải được chỉ dẫn đặc biệt là phục vụ người sống sót từ những cộng đồng bên lề.
An Toàn Tại Nơi Làm Việc & Quyền của Người Lao Động: Tất cả chúng ta phải có khả năng làm việc một cách đàng hoàng, không bị đe dọa bởi nạn bạo hành tình dục, bao gồm cả quấy rối tình dục. Nhất là đối với người lao động đặc biệt dễ bị quấy rối tình dục, chẳng hạn như người giúp việc gia đình, phục vụ nhà hàng và người lao động kiếm thu nhập từ tiền boa khác, người lao công và làm nông nghiệp, vốn là những việc thường được thực hiện bởi phụ nữ da màu, người nhập cư và người lao động được trả lương thấp. Người sống sót phải dẫn đầu và trở thành tâm điểm của phong trào thay đổi này, người lao động phải có khả năng xây dựng quyền lực tập thể và vận động cho những gì tốt nhất cho chính họ cũng như cho những người thân yêu của họ, đồng thời tập các giải pháp chống phân biệt đối xử tại nơi làm việc, bao gồm cả quấy rối tình dục, theo hướng ngăn chặn tác hại trước khi xảy ra thay vì chỉ giải quyết vấn đề sau khi đã xảy ra.